Các yếu tố thường gặp trong vụ án Nigeria Lừa đảo tài chính quốc tế

Séc dởm

Séc và lệnh chuyển tiền dởm là yếu tố cốt lõi trong nhiều vụ lừa đảo dạng "Lệ phí trả trước".

Theo luật của Mỹ cũng như nhiều nước khác, khi một khách hàng muốn rút tiền bằng một tấm séc, nhà băng phải dành một khoản dự trữ tương ứng trong tài khoản của khách hàng đó trong vòng 1 đến 5 ngày, bất kể thời điểm mà tấm séc đó được sử dụng để rút tiền mặt ra hoặc chuyển khoản sang một tài khoản khác. Quá trình xử lý tấm séc có thể mất từ 7-10 ngày, thậm chí có thể lên đến một tháng nếu liên quan đến ngân hàng nước ngoài. Thời gian nằm giữa thời điểm số tiền dự trữ nói trên hiện lên trong tài khoản cho đến thời điểm tiền được rút ra gọi là thời gian "nổi".

Tấm séc được đưa cho nạn nhân thường là một tấm séc giả nhưng mang thông tin thực về một khoản tiền có thực. Bằng một phần mềm như QuickBooks hoặc sử dụng phôi séc trắng, và dùng các thông tin về ngân hàng có thật, bọn tội phạm có thể in ra những tấm séc giống y như thật, không bị phát hiện là giả ngay cả khi bị kiểm tra, và thậm chí có thể dùng để rút tiền nếu chi tiết tài khoản chính xác và có tiền trong tài khoản. Tuy nhiên, khi tấm séc được đưa cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ xác minh được tài khoản là không tồn tại. Thời gian xác minh có thể mất hàng tháng, nếu liên quan đến ngân hàng nước ngoài. Tinh vi hơn, trong một số vụ, bọn tội phạm thậm chí đã sử dụng tấm séc thật, nhưng một mặt lại cấu kết với nhân viên ngân hàng để ra thông báo đây là một tấm séc giả, vài tuần hoặc vài tháng sau khi tấm séc về đến ngân hàng của chúng.

Bất kể mất thời gian bao lâu, khi ngân hàng phát hiện ra tấm séc là giả thì giao dịch bị hủy và số tiền dự trữ trong tài khoản của nạn nhân bị thu hồi. Như vậy, nạn nhân không nhận được bất kỳ số tiền nào từ bọn lừa đảo, trong khi những khoản phí trước đây đã bị lấy đi, không thu hồi lại được.

Giao dịch fax

Giao dịch fax thông thường gắn liền với một số fax cố định. Tuy nhiên bọn tội phạm có thể tạo ra các văn bản fax từ một dịch vụ mạng, hoặc gửi fax từ các cửa hàng công cộng. Mặc dù cách làm này gây tốn kém hơn cho bọn lừa đảo, đôi khi chúng vẫn sử dụng cách này để gây lòng tin cho nạn nhân.

Trang web giả

Mặc dù đa số các vụ lừa đảo 419 đều được thực hiện thông qua email, một số vụ đã sử dụng cả các trang web bắt chước giống hệt trang web chính thức như của eBay, PayPal, Bank of America để lừa đảo. Chúng cho phép nạn nhân truy cập vào các trang này để xem và thấy khoản tiền được hứa hẹn đang tồn tại trong tài khoản.

Tinh vi hơn nữa, chúng còn dẫn dắt nạn nhân đến các trang web thật có đăng tin liên quan đến dự án. Chẳng hạn, một tên tội phạm đã sử dụng tin về cái chết của một quan chức chính phủ để làm nền cho câu chuyện lừa đảo của hắn về việc tìm cách thu về tài sản để lại của vị quan chức này.

Mời đi tham quan nước ngoài

Trong một số trường hợp, nạn nhân được mời ra nước ngoài để gặp gỡ những quan chức chính phủ giả mạo. Một số nạn nhân đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc. Có trường hợp nạn nhân được bọn lừa đảo tổ chức đưa ra nước ngoài không có visa, và sau đó bị đe dọa tố cáo với chính quyền sở tại nếu không trả cho chúng những khoản tiền phạt. Thậm chí, một vài nạn nhân đã bị giết.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lừa đảo tài chính quốc tế http://www.f-secure.com/hoaxes/moneytr.shtml http://www.intercontinentalbankgh.com/web/scamaler... http://www.microsoft.com/protect/yourself/phishing... http://query.nytimes.com/gst/fullpage.html?res=9E0... http://www.snopes.com/crime/fraud/nigeria.asp http://www.wired.com/techbiz/it/news/2006/08/71387 http://statelists.state.gov/scripts/wa.exe?A3=ind0... http://travel.state.gov/pdf/international_financia... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/cis/cis_1... http://travel.state.gov/travel/cis_pa_tw/tw/tw_928...